QUẢNG CÁO
 
Truy cập
Đang online: 2
Tổng số: 698,567
CHI TIẾT
Tìm hiểu về tăng huyết áp
Phùng Hạnh
Số: 493 - Tháng 5/2017 - Trang

 Thực trạng tăng huyết áp

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... và những bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của tăng huyết áp. Vì vậy, ngày 17 tháng 5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong năm người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy timlàm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc. Hầu hết người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào cả và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là ‘‘Kẻ giết người thầm lặng. Theo điều tra, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Nguyên nhân

Tăng huyết áp có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế: năm 2015 có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/trái cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch.

Phòng, chống tăng huyết áp ở Việt Nam

Để tăng cường phòng, chống tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, cùng với triển khai chương trình mục tiêu y tế, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để kiểm soát tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Bộ Y tế đang tăng cường phối hợp để xây dựng và thực thi các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, giảm tiêu thụ muối ở cộng đồng, bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho người dân. Đồng thời tiếp tục củng cố y tế tuyến cơ sở để mở rộng cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý bệnh lâu dài tại cộng đồng. Công tác dự phòng rất quan trọng đặc biệt là phòng chống các yếu tố nguy cơ và phát hiện bệnh sớm. Bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ thì sẽ giúp phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi việc phát hiện sớm bằng đo huyết áp rất đơn giản, ít tốn kém.

Phòng, chống tăng huyết áp không phải của riêng ngành Y tế vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi trách nhiệm của nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2017, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo đài tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền đến tận mỗi người dân để biết cách phòng tránh tăng huyết áp, biết thường xuyên đo huyết áp phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, vận động cộng đồng xã hội chung tay phòng, chống tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để phòng chống tăng huyết áp:

  1. Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và hạn chế uống rượu bia để dự phòng tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.
  2. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.
  3. Người mắc tăng huyết áp vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc. 
(Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế)

Tìm hiểu về tăng huyết áp 
Quay trở lại

Bản quyền thuộc về Tạp chí Dược học – Bộ Y tế

Địa chỉ: 138 A Giảng Võ - Quận Ba Đình - Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 04.37367717 – 04.37368367 - E-mail: tapchiduocbyt@gmail.com